Trong canh tác nông nghiệp, việc tạo ra một môi trường đất tốt, khỏe cho cây trồng sinh trưởng và phát triển là rất quan trọng. Việc đất trồng bị yếu đi do nhiều yếu tố mà không được phát hiện, xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dưỡng chất của cây trồng. Theo đó, cây sẽ phát triển không được thuận lợi, không thể đạt năng suất cao. Trong đó, tình trạng đất trồng bị chua là một trong những tình trạng cần phải được xử lý kịp thời vì ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hút các dưỡng chất của cây. Như vậy, để giúp nhà nông hiểu rõ hơn vì tình trạng đất bị chua, cũng như những cách hiệu quả để khắc phục kịp thời, Netagro xin được đồng hành cùng nhà nông tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Tại sao phải khắc phục kịp thời tình trạng đất trồng bị chua?
Đất trồng bị chua là một tình trạng khá phổ biến trong canh tác nông nghiệp. Có thể hiểu đơn giản rằng tình trạng này xuất hiện do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khiến pH của đất thay đổi. Dù xuất hiện phổ biến nhưng đây lại là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây trồng. Khiến cây chậm phát triển, cho nông sản chất lượng thấp, năng suất không cao. Do vậy mà ảnh hưởng nhiều đến mùa vụ của nhà nông. Theo đó, nhà nông cần phải nhận biết kịp thời và tiến hành khắc phục tình trạng đất bị chua.
Như thế nào là đất bị chua?
Tình trạng đất bị chua là hiện tượng thay đổi pH đất, dẫn đến thay đổi hóa tính của đất do ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Bao gồm các yếu tố trong quá trình canh tác nông nghiệp hoặc tính chất đặc thù của đất trong vùng trồng trọt. Đất chua sẽ có pH từ 6.5 trở xuống và chứa nhiều axit. Đây cũng là chỉ số cho biết nồng độ ion H+ trong môi trường đất đó.
Nhà nông có thể nhận diện tình trạng đất có bị chua hay không bằng cách tiến hành đo pH của đất và theo dõi tình hình trong suốt mùa vụ. Tùy vào giống cây, loại cây khác nhau mà khả năng thích ứng với mức pH cũng khác nhau. Tuy nhiên, khoảng pH thích hợp, tạo được môi trường lý tưởng cho cây trồng phát triển là 6,1-7. Nếu nhà nông đo pH dưới khoảng 6,1-7 thì có nghĩa là đất trồng bị chua, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
Các lợi ích khi khắc phục kịp thời đất bị chua
Vì đất trồng bị chua sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến quá trình hấp thu dưỡng chất trong đất của cây nên nhà nông cần phải khắc phục kịp thời tình trạng này của đất trồng. Cụ thể các lợi ích khi nhà nông phát hiện kịp thời và khắc phục hiện tượng đất bị chua là:
- Ngăn chặn tình trạng cây không hấp thu được các dưỡng chất, giúp đảm bảo và tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Bởi cây trồng trên vùng đất chua sẽ khó hấp thụ được N, P, K và S. Mà đây là những dưỡng chất vô cùng quan trọng với cây nên sẽ khiến cây bị còi cọc, năng suất giảm đáng kể.
- Tránh được tình trạng cây sinh trưởng trên vùng đất chua bị ngộ độc, khiến cây chết, ảnh hưởng mùa vụ của bà con nông dân. Với ruộng lúa, khi pH giảm thì sắt thường sẽ ở dạng hóa trị II và nhôm Al3+ sẽ dễ hòa tan hơn khi pH thấp. Sắt sẽ kết hợp với các chất hữu cơ tạo thành phức hợp sắt dễ tan. Từ đó gây ngộ độc sắt và tình trạng ngộ độc khác cho cây lúa nói riêng và cây trồng nói chung. Hay nói cách khác, việc xử lý đất bị chua sẽ giúp nhà nông tránh được yếu tố chính làm hạn chế sự sinh trưởng của nhiều loại cây trồng.
Các nguyên nhân khiến đất trồng bị chua?
Đất trồng tại Việt Nam hầu hết sẽ ở khoảng pH từ chua nhẹ đến chua tùy theo đặc điểm vùng trồng. Một số các nguyên nhân chính tác động khiến đất trồng bị chua như:
- Do bị rửa trôi bởi nước mưa có tính axit và nước tưới bị dư thừa. Nước tác động rửa trôi một lượng nhiều các chất kiềm như: magiê (Mg), canxi (Ca), Kali (K),… xuống tầng đất sâu hơn. Hoặc rửa trôi vào sông suối hay ao hồ khiến đất mất chất kiềm. Do vậy mà pH giảm, khiến đất trở nên chua.
- Đất chua do ảnh hưởng của chất hữu cơ phân giải. Quá trình đó tạo ra nhiều loại axit như: axit cacbonic (H2CO3), axit nitric (HNO3), axit axetic (CH3COOH), axit sunfuric (H2SO4),… và làm cho đất trồng bị chua. Nhất là với các nhà nông bón phân hữu cơ hay phân chuồng ủ mà chưa chín, chưa hoai mục thì quá trình này sẽ càng mạnh hơn và gây chua.
- Do nhà nông bón quá nhiều các loại phân khoáng mang tính axit như: Clorua kali (KCl), Sunfat kali (K2SO4), Suppe lân,… Bởi cây khi hút các cation (K+, Mg+, Ca2+) của phân bón sẽ trả lại H+ vào đất để cân bằng điện tích. Khi đó, H+ kết hợp với các gốc muối sẽ tạo ra axit gây chua đất. Ngoài ra, nhà nông nếu sử dụng phân vô cơ quá nhiều còn sẽ gây chai cứng đất trồng qua các năm.
- Sử dụng các loại thuốc trừ cỏ, diệt côn trùng,… có chứa gốc Sulphur (S). Khi sử dụng qua lá hay bón gốc đều sẽ làm cho pH đất giảm xuống, gây ra chua đất.
Cách khắc phục hiệu quả tình trạng đất trồng bị chua
Dựa trên những nguyên nhân chính gây ra tình trạng đất trồng bị chua, Netagro giới thiệu một số biện pháp khắc phục hiệu quả đất bị chua để nhà nông tham khảo sau đây:
Thực hiện bón vôi cho đất
Vì đất bị chua có pH giảm nên nhà nông cần phải bổ sung thêm những chất có tính kiềm cho đất như vôi nông nghiệp. Một số loại vôi chính thường được sử dụng để bón cải tạo đất là: bột đá vôi (CaCO3), vôi tôi (Ca(OH)2), vôi nung (CaO) và dolomite lime (CaMg(CO3)2).
Về phương pháp này, nhà nông có thể linh hoạt vào đặc điểm, tình trạng thực tế của đất trồng bị chua mà quyết định loại vôi bón phù hợp. Nhiều khuyến cáo cho rằng nhà nông nên dùng vôi dolomite. Bởi khả năng cung cấp đến hai nguyên tố có tính kiềm cho đất là Ca, Mg, đồng thời còn là nguồn khoáng dinh dưỡng tốt, không gây nóng cây.
Với loại đất đỏ Bazan trồng cà phê và có pH<4 thì được khuyến cáo bón 1200kg/ha vôi dolomite bởi Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên. Với tần suất là 2 năm bón một lần.
Một lưu ý khác cho nhà nông khi bón vôi là những nơi nghèo chất hữu cơ thì không nên bón nhiều vôi. Vì việc này sẽ phản tác dụng, làm đất nghèo nàn thêm . Bên cạnh đó, nhà nông cũng không nên sử dụng vôi ở những vùng sét nặng vì sẽ làm đất cứng thêm và thành lớp đế cày không tốt cho việc trồng trọt.
Bổ sung lượng hữu cơ cho đất
Với biện pháp bón vôi, nhà nông có thể tăng pH nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên, nó cũng cần phải lưu ý nhiều và gây không ít những tác hại, tác dụng phụ cho đất nếu nhà nông không nắm rõ những lưu ý. Vì vậy, nhà nông được khuyến cáo biện pháp hiệu quả, an toàn để xử lý đất trồng bị chua là tăng lượng hữu cơ cho đất. Thông qua đó có thể hỗ trợ tăng lượng keo đất. Từ đó làm thúc đẩy quá trình trao đổi cation, giúp rễ hấp thụ dưỡng chất dễ dàng hơn trong môi trường đất.
Thêm vào đó, hữu cơ cũng là một nguồn thức ăn quan trọng của các vi sinh vật trong đất. Do đó, khi cung cấp hữu cơ thì nhà nông sẽ giúp tăng cường được sự hoạt động của hệ vi sinh vật đất. Qua đó giúp đất tơi xốp hơn, dễ dàng hơn cho việc hấp thu dinh dưỡng của cây trồng nhờ vào hoạt động hỗ trợ của vi sinh vật có lợi.
Nhà nông có thể bổ sung hữu cơ bằng cách bón phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục hay xác bã thực vật ủ hoai mục. Nhằm trả lại các chất hữu cơ tự nhiên cho đất, xử lý tình trạng đất bị chua và khôi phục đất sau mỗi vụ thu hoạch.
Cung cấp thêm hàm lượng Humic cần thiết cho đất
Cung cấp thêm Humic là một trong những biện pháp hiệu quả để khắc phục đất trồng bị chua. Bởi trong Humic có axit humic và fulvic, đây là những dạng keo đất tốt cho đất trồng. Chúng sẽ liên kết với cation bazơ tạo khả năng hỗ trợ giữ lại lượng phân bón cho cây và chống thất thoát rửa trôi. Humic còn có thể làm tăng cường trao đổi cation ở cây, giúp thúc đẩy quá trình trao đổi khoáng được dễ dàng hơn. Thông qua đó, giúp cải thiện khả năng hút dưỡng chất của cây trồng, tăng hiệu quả sử dụng phân bón và tiết kiệm được lượng phân bón.
Đồng thời, Humic cần để xử lý đất bị chua còn do khả năng duy trì pH đất ở mức trung bình. Khi nhà nông cung cấp Humic kết hợp với phân bón hữu cơ sẽ tạo thành biện pháp bền vững để cải tạo đất bị chua.
Hạn chế việc sử dụng các sản phẩm, giải pháp gây hại cho đất, khiến đất bị chua
Một nguyên nhân chính yếu khiến đất trồng bị chua là do ảnh hưởng của các sản phẩm hóa chất tạo ra tính axit trong đất. Do đó, để khắc phục tình trạng đất chua thì nhà nông cũng phải lưu ý hạn chế sử dụng những sản phẩm có khả năng gây hại khiến đất bị chua. Như:
- Thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Nhà nông chủ động thay đổi canh tác theo hướng hữu cơ. Nhờ đó mà hạn chế được việc sử dụng phân vô cơ. Cần tăng lượng hữu cơ, chủng vi sinh vật đối kháng, thiên địch để phòng trừ sâu bệnh hại hơn là thuốc BVTV.
- Thuốc trừ cỏ làm trắng đất. Ưu tiên cắt tỉa cỏ định kỳ hàng tháng, nhờ đó mà vừa tăng được lượng mùn hữu cơ, vừa duy trì sự đa dạng của hệ vi sinh vật có ích trong đất, giúp đất tơi xốp.
Phía trên là toàn bộ thông tin khái quát về đất trồng bị chua và nguyên nhân, biện pháp khắc phục hiệu quả mà Netagro muốn nói đến. Trong đó, việc sử dụng phân bón hữu cơ đạt tiêu chuẩn để xử lý đất chua, giúp bảo vệ đất là rất quan trọng. Nếu bà con nông dân đang tìm kiếm nguồn cung cấp phân bón hữu cơ đạt chuẩn cho cả đất lẫn cây trồng thì Netagro chuyên phân phối các loại phân bón nhập khẩu chất lượng cao từ các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, hướng đến mục tiêu kết nối nhà nông Việt chính là đối tác uy tín, an toàn mà nhà nông đang tìm kiếm.
Sản phẩm nổi bật
NETA SEAWEED
NETA SUPER HUMATE
NETA COPPER
NETA FOX
NETA BOR
NETA CA
NETA CABO
NETA BUD